Lịch sử Vĩnh Xuân Việt Nam

Vĩnh Xuân, môn võ người ta tìm thấy những nét đặc trưng mà không phải môn võ nào cũng có. Trong những năm gần đây, bên cạnh sự phát triển không ngừng của các môn võ nổi danh trên toàn thế giới, người ta luôn nhắc đến Vĩnh Xuân Quyền, một kiệt tác trong kho tàng võ học thế giới. Mà đầu thế kỷ trước môn võ này chỉ được lưu truyền trong dân gian, với sự huyền bí mà không mấy ai  tận mắt chứng kiến. Vào những năm đầu thế kỷ 20, có một quyền sư Vĩnh Xuân ở Phật Sơn Trung Quốc sang Việt Nam, tung tích hoàn toàn được khép trong bí mật.

Cho tới những năm đầu của thập kỷ 40, nhiều người mới biết tới, ông là Nguyễn Tế Công một cao nhân võ học của thế kỷ 20 với nhiều huyền thoại. Ông được coi là sư tổ của Vĩnh Xuân Việt Nam. Từ lúc sang Việt Nam sư tổ Tế Công có truyền dạy một số học trò mà sau này trở thành các bậc thầy về Vĩnh Xuân. Bức ảnh lịch sử của sư tổ Tế Công cùng học trò dưới đây, do võ sư – họa sỹ Đỗ Tuấn còn lưu trữ được.

(Ảnh cụ Nguyễn Tế Công cùng các học trò)

Có học trò của tôn sư Tế Công vốn rất nổi tiếng như cố võ sư Ngô Sĩ Quý, Cố võ sư Vũ Bá Quý, Cố võ sư Hồ Hải Long. Hiện nay môn võ Vĩnh Xuân đã được các đệ tử của sư tổ Tế Công truyền lại cho học trò mà giờ đây, lớp học trò kế nghiệp của ông cũng đã thành danh trong con đường truyền dạy môn Vĩnh Xuân cho biết bao thế hệ sau này. Họa sĩ tài hoa Đỗ Tuấn từng là thương binh, nhờ tập Vĩnh Xuân dưới sự dạy bảo của cố võ sư Trần Văn Phùng mà đã hoàn toàn khỏe mạnh và trở thảnh một võ sư Vĩnh Xuân nổi tiếng.

Trước đây, Vĩnh Xuân là một môn võ đặc biệt với nhiều ẩn chứa trong công pháp mà người thầy chỉ truyền cho một học trò đắc ý nhất gọi là truyền nhân. Đã có nhiều võ sư Vĩnh Xuân nước ngoài đến Việt Nam tìm hiểu về Vĩnh Xuân và họ đã nhận ra những điều đặc biệt mà chỉ Vĩnh Xuân Việt Nam mới có. Có lẽ do cơ duyên mà sư tổ Tế Công đã đem sang việt nam những điều bí mật nhất mà môn võ thượng thừa này kế tục từ hàng trăm năm qua. Năm 1955, tôn sư Nguyễn Tế Công theo dòng người di cư vào Nam, ông có thu nhập thêm một số môn đồ nữa và ít năm sau qua đời. Trước khi rời Hà Nội, sư tổ Tế Công đã thốt lên tâm sự: “Vĩnh xuân đã sang hẳn Việt Nam mất rồi”. Trải qua hàng trăm năm, môn võ đã được truyền qua nhiều thế hệ, và có mặt ở nhiều nước trên thế giới trong sự ngưỡng mộ của biết bao người yêu mến võ thuật.

Quá trình phát triển môn phái Vĩnh Xuân Quyền

Nguyễn Tế Công– sinh năm 1877 tại Phật Sơn, Quảng Đông, Trung Quốc, hổi còn nhỏ ông là người ham mê yêu thích võ thuật, vì các võ sư Vĩnh Xuân hồi bấy giờ thu học phí rất cao, nên ban đầu ông không có điều kiện học võ. Mãi về sau, cha ông mới mời được quyền sư nổi tiếng Hoắc Bảo Toàn về truyền dạy võ thuật. Sau này ông còn được đại sư Phùng Thiếu Thanh truyền dạy Vĩnh Xuân cho cùng với người em là Nguyễn Kỳ Sơn… trở thành một võ sư Vĩnh Xuân có tiếng. Không dừng lại ở đó ông còn học hỏi thêm được nhiều ở Lương Bích (Truyền nhân Vĩnh Xuân thời bấy giờ).

Năm 1907, Nguyễn Tế Công sang Việt Nam, tung tích của người hoàn toàn được khép kín cho tới những thập kỷ 40 nhiều người mới biết tới. Ông được coi là một cao nhân võ học thời bấy giờ.

Năm 1930 Nguyễn Tế Công Nhân dạy võ cho hội những gia tộc quyền quý giàu sang người hoa ở Việt Nam và nhanh chóng trở nên nổi tiếng, vang danh nhờ tài nghệ võ học công phu.

Năm 1937, ông là quản gia cho một thương nhân người Hoa giàu có ở Hàng Buồm – Hà nội. Sau đó, Ông truyền dạy võ thuật cho Cam Túc Cường – con trai gia chủ. Từ đó, ông bắt đầu dạy võ cho giới thượng lưu người Việt. Trong số đó, có những học trò nổi tiếng như: cố võ sư Trần Văn Phùng, Trần Thúc Tiển, Vũ Bá Quý, Ngô Sĩ Quý… . Và nhiều võ sư khác

Năm 1954, Nguyễn Tế Công cùng gia đình và một số học trò chuyển vào miền Nam. Tại đây, ông có nhận thêm một số các đệ tử, nổi danh trong số đó có võ sư: Lục Viễn Khai, Hồ Hải Long… Ông sống ở chợ lớn Sài Gòn cùng gia đình. Trước khi qua đời, ông có để lại bộ 108 bài đánh Vĩnh Xuân với mộc nhân.

Ngày 23-6-1959, Nguyễn Tế Công lâm bệnh qua đời và được mai táng tại nghĩa trang Quảng Đông chợ lớn. Mộ phần của ông hiện nay được chuyển về Bình Dương. Sinh thời, ông có 2 người con, một trai và một gái. Tuy nhiên, hai người con của ông đều không học được nhiều về Vĩnh Xuân quyền.

Truyền nhân

Võ sư Trần Văn Phùng (1900-1988).
Võ sư Trần Văn Phùng là một trong những học trò đầu tiên của tôn sư Nguyễn Tế Công. Ông là người lớn tuổi nhất trong các số các vị học trò của tôn sư Tế Công thời bấy giờ. Trước khi theo học Vĩnh xuân, ông có học rất nhiều môn quyền thuật khác như: Thiếu Lâm Sơn Đông, Thiếu Lâm Nam Quyền… Với tinh thần đam mê võ thuật ông đã được tôn sư Tế Công nhận làm học trò. Trong những năm tháng theo tôn sư Tế Công học đạo, ông luôn say mê luyện tập và rất được tôn sư yêu mến truyền cho các tuyệt kỹ võ học. Đặc biệt trong số đó là các bài tập Vĩnh Xuân với mộc nhân. Về sau, ông có nhận một số học trò nổi tiếng trong số đó có giáo sư tiến sĩ Lê Kim Thành, họa sĩ Đỗ Tuấn, Võ sư Trịnh Quốc Định (bàn tay vàng của Vĩnh xuân Việt Nam – nhờ luyện Vĩnh Xuân mà khỏi bệnh lao phổi), họa sĩ Mai Ánh Châu, võ sư Vũ Văn Hồng, võ Sư Thái Bá Sao… và nhiều võ sư nổi tiếng khác.
Võ sư Trần Văn Phùng là một con người giản dị, cương trực và khảng khái, một đời cống hiến cho võ thuật. “Cho đến tận lúc ông mất, năm 85 tuổi, hàng ngày ông vẫn luyện công và dạy võ cho các học trò. Ở độ tuổi 80, ông vẫn đủ sức đánh lõm một tấm gỗ lim dày 10 phân. Quan điểm võ thuật của ông là càng đơn giản càng tốt và phải khổ luyện”.

Võ sư Trần Thúc Tiển (1912-1980). 
Võ sư Trần Thúc Tiển sinh năm 1912 người Thanh Trì, Hà Nội. Ông là một doanh nhân, tính tình hiền lành, điềm đạm, và khiêm tốn… Cậu chuyện cơ duyên giữa ông và tôn sư Nguyễn Tế Công bắt đầu vào một buổi chiều, khi đang ngồi trước cửa thì bắt gặp một ông già người tàu trong một lần va chạm với 2 người lính. Qua lần va chạm ấy, ông đã nhận ra được rằng đây là một cao nhân rất giỏi võ. Sau đó ông đã để tâm tìm hiểu lai lịch, chỗ ở của vị cao nhân đó, và cuối cùng tới xin học võ… Vị cao nhân đó chính là tôn sư Nguyễn Tế Công. Cùng với các học trò khác, ông là một trong những học trò đầu tiên của tôn sư Tế Công, về sau này khi theo dòng người chuyển vào nam sinh sống. Ông có thu nhận thêm một số học trò, nổi danh trong số đó có: bác sỹ Trần Khắc Quảng, bác sỹ Lê Văn Chung, võ sư Nguyễn Văn Phương, võ sư Nguyễn Mạnh Nhâm, bác sĩ Nguyễn Văn Lễ (nguyên phó giám đốc bệnh viện đa khoa Thái Nguyên), võ sư Phan Dương Bình (Bình bún), võ sư Nguyễn Xuân Thi (chủ tịch hội võ cổ truyền Hà Nội), kỹ sư Nguyễn Ngọc Nội, và nhiều võ sư khác… Cụ sinh được 2 người con: Trần Thiết Côn và Trần Hoài Ngọc cả 2 đều đựơc lĩnh ngộ vĩnh xuân tới trình độ cao.

Võ sư Vũ Bá Quý (1912-1995).
Võ sư Vũ Bá Quý sinh năm 1912 tại Hải Dương, (tổ sư của môn phái Vũ Gia Thân Pháp), ông là một người ham mê võ thuật, tính tình phóng khoáng, hoạt bát. Và ông cũng là một trong những vị học trò đầu tiên của tôn sư Nguyễn Tế Công. Mỗi khi nhắc tới Vũ gia thường người ta sẽ nhắc tới những công phu về thân pháp. Hồi trước khi theo tôn sư Nguyễn Tế Công học đạo, ông đã từng đã từng học qua rất nhiều môn phái võ cổ truyền dân tộc và lãnh giáo rất nhiều môn phái. Tuy nhiên bước ngoặt lớn nhất là khi ông gặp được tôn sư Nguyễn Tế Công. Được sự chỉ dạy của tôn sư ông nhanh chóng phát huy được tinh hoa võ thuật của mình, không dừng lại ở đó ông còn nghiên cứu thêm nhiều môn phái võ khác nữa, tự luyện tập cải tiến thành một lối đánh riêng của dòng phái Vũ Gia.
Võ sư Vũ Bá Quý từng vô địch giải võ tự do Đông Dương năm 1939 và nhiều giải khác, về sau này khi ông qua đời có để lại những đệ tử giỏi như: Võ sư Đạt, võ sư Mỹ, Võ sư Nguyên… Hiện nay, dòng phái Vũ Gia

vẫn đang phát triển và phát huy những tinh hoa của Vĩnh Xuân Quyền.

Võ Sư Ngô Sĩ Quý (1922-1997).
Võ sư Ngô Sĩ Quý sinh năm 1922, xuất thân từ một gia đình khoa bảng- là một người  ham mê âm nhạc, yêu thiên nhiên, có một lối sống hào hoa, phong nhã, cởi mở, vui vẻ. Có thể vì lý do này mà cơ duyên đến với ông khi gặp được Cam Túc Cường, một người cũng yêu âm nhạc (học trò tôn sư Nguyễn Tế Công). Vì cùng chung sở thích nên hai người rất nhanh chóng trở nên thân thiết với nhau. Cuối cùng, Cam Túc Cường đã giới thiệu ông với thầy của mình tôn sư Nguyễn Tế Công. Trong lần đầu tiên gặp mặt, tôn sư đã dạy ông bài “thủ đầu quyền” do có năng khiếu thực hiện tốt bài quyền tôn sư đã nhận ông làm học trò và truyền dạy nhiều tuyệt kỹ công phu Vĩnh Xuân. Thời gian sau đó, khi tôn sư  Tế Công chuyển vào nam, ông tiếp tục  luyện tập cùng với sư huynh Cam Túc Cường. Năm 1945, ông tham gia hoạt động cách mạng Ông mất năm 1997, và có  được nhiều học trò giỏi: tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Quốc Toàn, bác sĩ Dương Quốc Tuấn, võ sư Nguyễn Đức Dũng, võ sư Trần Việt Trung, võ sư Trần Hậu Tuấn và rất nhiều người khác.

Võ sư Hồ Hải Long (1917-1988).
Võ sư Hồ Hải Long, Tên thật là Nguyễn Duy Hải sinh năm 1917. Ông là một người có đam mê và tâm huyết to lớn với võ thuật. Trước khi gặp tôn sư Nguyễn Tế Công ông đã từng là một lực sĩ, một cao thủ võ thuật (mệnh danh là Hải Nhật). Về sau này, ông được lĩnh giáo và nể phục tài nghệ của tôn sư Nguyễn Tế Công, nên đã xin đi theo tôn sư để học đạo. Có thể nói đây là một bước ngoặt vĩ đại trên con đường luyện tập võ thuật của ông. Vào những  năm 1947, ông đã oanh liệt vô địch giải kiếm thuật mười tỉnh đất bắc. Từ đó cái tên Hồ Hải Long được nhiều người biết đến như một nhân tài võ học. Sau này, võ sư Hồ Hải Long có truyền dạy võ thuật của mình cho rất nhiều võ sư khác, nổi lên trong số đó có võ sư Nam Anh, võ sư Thiếu Sơn, võ sư Điển, và võ sư Nguyễn Duy Vũ…
Võ sư Hồ Hải Long mất năm 1988, thọ 71 tuổi

Thành tựu & các hoạt động môn phái Vĩnh Xuân Quyền

Phát triển ra nước ngoài:

–     Tìm về cội nguồn Vĩnh Xuân dòng cụ Nguyễn Tế Công tại phật sơn. Gặp gỡ và giao lưu với hậu duệ của cụ Nguyễn Tế Công: Nguyễn Tổ Đường(cháu cụ Nguyễn Tế Công) và Trần Hứa Quân (hậu duệ đời thứ 2 của cụ Nguyễn Tế Công). Đây là những người đã và đang truyền dạy Vĩnh Xuân có tiếng tăm lớn ở Phật Sơn. Ngoài ra còn có võ sư Diêu Trung Cường và Lương sư phụ là những người đã tập Vĩnh Xuân gia truyền lâu năm nhưng vẫn tìm hiểu thêm Vĩnh Xuân dòng cụ Nguyễn Tế Công- Võ sư: Đinh Trọng Thủy
–    gặp gỡ, giao lưu với võ sư Kuchoiwant (cổ sư phụ) đồng thời hợp tác và mở lớp huấn luyện đào tạo Vĩnh Xuân tại Singapo– Võ sư Đinh Trọng Thủy.
–    Hoạt động truyền dạy võ thuật Vĩnh Xuân tại Israel – Võ sư Ngô Sĩ Quý.
–    Hoạt động truyền dạy võ thuật Vĩnh Xuân tại Balan – Nguyễn Ngọc Nội.
–    Hoạt động truyền dạy võ thuật Vĩnh Xuân tại Ukraina – Họa Sĩ Mai Ánh Châu.
–    Nghiên cứu & tìm hiểu về mật tông tây tạng – Võ sư Đinh Trọng Thủy.
–    Hoạt động truyền dạy võ thuật Vĩnh Xuân tại Nga – Thầy, trò Võ sư Lê Kim Thành.
Phát triển hoạt động trong nước:
–    Đào tạo nhiều vận động viên thể thao tham dự giải võ thuật trong nước và khu vực, đào tạo lực lượng an ninh, vệ sĩ, cảnh vệ…
–    Thu hút số lượng lớn sinh viên tham gia tập luyện Vĩnh Xuân với mục đích rèn luyện sức khỏe, trí lực, tinh thần…
–    Hiện tại, có khoảng 30 võ đường Vĩnh Xuân đang hoạt động chính thống trên  địa bàn hà nội, với số lượng môn sinh khoảng 200-300 người/ võ đường. Và còn nhiều các võ đường, câu lạc bộ Vĩnh Xuân nhỏ lẻ khác
–    Đại hội giao lưu võ thuật trong giới võ thuật Vĩnh Xuân Quyền (đã được tổ chức 2 lần)

1 thought on “Lịch sử Vĩnh Xuân Việt Nam”

Leave a Comment

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *